04.01.2022 - Đầu tư nhỏ ở Đức (1)
#daututaichinh #duc
Trước khi đọc tiếp, xin lưu ý rằng thông tin trong bài viết này do mình tự tổng hợp với mục đích chia sẻ kiến thức. Mình không phải là chuyên gia tư vấn tài chính, do đó các bạn cần tự tìm hiểu thêm và cân nhắc kỹ trước khi quyết định đầu tư để tranh rủi ro không đáng có. Mình sẽ chia sẻ thành nhiều phần từ thông tin chung đến chi tiết mà người mới bắt đầu cần biết.
Bài viết này viết về việc tại sao nên cân nhắc đầu tư tài chính ở Đức, khi nào và nên đầu tư bao nhiêu với số vốn nhỏ.
1. Tại sao nên đầu tư tài chính ở Đức?
Gửi tiết kiệm ở ngân hàng
Với số tiền tiết kiệm nhỏ, mở tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng là cách đơn giản nhất để tiền tiết kiệm sinh lãi. Việc mở tài khoản tiết kiệm ở Đức về cơ bản cũng giống Việt Nam nhưng có 2 điểm khác biệt lớn khiến kênh đầu tư này kém hấp dẫn. Thứ nhất, lãi suất tiết kiệm ở Đức rất thấp. Trong các loại hình tiết kiệm tại ngân hàng, mở tài khoản với thời hạn cố định cho lãi suất cao nhất, tuy nhiên cũng chỉ ở mức dưới 1%/năm cho tiết kiệm dài hạn (đến 3 năm) (Nguồn 1). Ví dụ, lãi suất tiết kiệm với thời hạn cố định tại ngân hàng Sparkasse chỉ dao động từ 0.05% đến 0.4%/năm (Nguồn 2). Thứ hai, tiền lãi từ tiết kiệm ngân hàng là thu nhập chịu thuế, với thuế suất khoảng 25%. Do đó, với số vốn thấp, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng gần như không sinh lãi.
Bảo hiểm hưu trí tư nhân
Với số vốn nhỏ, chưa có ý định đầu tư nghiêm túc lâu dài và nhất là thu nhập chưa ổn định, bảo hiểm hưu trí tư nhân không phải là lựa chọn tối ưu. Việc hủy hợp đồng bảo hiểm do không muốn tiếp tục đóng có thể gây thiệt hại đáng kể về vốn. Hơn nữa, thu nhập từ bảo hiểm hưu trí cũng là thu nhập chịu thuế. Cuối cùng, tuổi nghỉ hưu ở Đức khá cao và ngày càng tăng - hiện nay, mỗi năm tuổi nghỉ hưu tăng thêm 1 tháng cho đến khi đạt 67 tuổi vào năm 2029 (Nguồn 3), do đó người đóng bảo hiểm về cơ bản phải chờ đợi một thời gian dài mới đến lúc được hưởng bảo hiểm hưu, tuy có một số loại bảo hiểm ưu đãi việc hưởng sớm dưới một vài hình thức và điều kiện nhất định.
Lạm phát
Tỷ lệ lạm phát ở Đức được báo cáo vào tháng 11.2021 là +5.2%, cao nhất trong vòng 29 năm (Nguồn 4). Nguyên nhân lạm phát được cho là có liên quan đến một vài yếu tố như việc tạm điều chỉnh thuế GTGT năm 2020, giá dầu, khủng hoảng cung ứng hàng hóa... Với tình hình dịch bệnh còn tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Đức và toàn cầu, tỷ lệ lạm phát có thể chưa thể quay về mức cũ trong thời gian sắp tới, do đó tiền tiết kiệm trong tài khoản thanh toán tiếp tục mất giá nếu không được đầu tư.
Quản lý tài chính cá nhân
Đầu tư tài chính là một phần quan trọng, tuy không nhất thiết, trong quản lý tài chính cá nhân. Nói là không nhất thiết là vì không phải tất cả mọi người đều cần phải đầu tư tài chính thì mới có thể quản lý tài chính bền vững. Những người có thu nhập tốt và ổn định, đảm bảo tài chính cho cuộc sống thì cũng không nhất thiết phải dành thời gian để đầu tư tài chính. Tuy nhiên, không ai có thể nói trước về rủi ro trong thu nhập - điều mà nhiều người trải nghiệm rõ qua hai năm dịch bệnh vừa rồi. Do đó, nếu có thể đầu tư sớm với một số vốn nhỏ để tìm hiểu thị trường, tăng năng lực đầu tư, chia vốn vào nhiều kênh cũng là một cách để quản lý rủi ro tài chính hiệu quả.
Khi nào nên đầu tư tài chính?
Nhiều người và bản thân mình cũng cho rằng đầu tư sớm mang lại hiệu quả tốt trong thời gian dài, như đã nói ở trên. Tuy nhiên, mình thấy rằng chỉ nên đầu tư khi bản thân sẵn sàng về:
Vốn: Dù là số vốn nhỏ, nhưng đó phải là số vốn có thể sử dụng được để đầu tư. Vấn đề này mình sẽ nói kỹ ở mục sau.
Thời gian: Để tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Số vốn mà bạn bỏ ra để đầu tư dù ít hay nhiều đều là tài sản có giá trị, có thể là công sức bạn đi làm vất vả và giành dụm một thời gian mới có được. Do đó, nếu chưa có đủ thời gian để học hỏi nâng cao kiến thức dù ít nhiều thì bạn không nên vội đầu tư. Theo mình, nếu có hiểu biết thì tham gia đầu tư thời điểm nào cũng có khả năng sinh lãi; ngược lại, nếu tham gia khi hoàn toàn không biết gì có thể có rủi ro cao.
Nên đầu tư bao nhiêu?
Đây là một câu hỏi không có đáp án chính xác cho tất cả mọi người, tuy nhiên có một vài cơ sở có thể giúp bạn xác định nên đầu tư bao nhiêu.
Tiền tiết kiệm có sẵn và tiền tiết kiệm hàng tháng: Với người có thu nhập thấp nhưng tương đối ổn định, cần phải xác định tiền tiết kiệm trung bình hàng tháng là bao nhiêu. Cách xác định tốt nhất là theo dõi chi tiêu cá nhân: tiền vào bao nhiêu, có được từ đâu, tiền ra bao nhiêu, chi cho những gì. Với người có thu nhập không ổn định, tiền tiết kiệm hàng tháng có thể có thay đổi lớn, tuy nhiên cũng có thể dựa vào số tiền tiết kiệm sẵn có để xác định số tiền đầu tư. Số tiền đầu tư được cho là vào khoảng 10-20% tổng số tiền tiết kiệm.
Nhu cầu sử dụng tiền tiết kiệm trong thời gian tới: Với người mới đầu tư, khoản đầu tư có thể chỉ sinh lãi sớm nhất sau vài tháng và khoản đầu tư nhỏ sẽ cho lãi thấp. Do đó, không nên dựa vào lãi đầu tư để tính toán cho nhu cầu chi tiêu trong thời gian gần. Ngược lại, bạn cần để lại một khoản tiền cần thiết cho những nhu cầu này và không nên dùng số tiền này để đầu tư. Ngoài những nhu cầu mua sắm và thanh toán các khoản trong kế hoạch chi tiêu, bạn cũng nên để dư ra một số tiền phòng trường hợp thu nhập không ổn định - số tiền này dao động từ 3-6 tháng cho các chi tiêu cơ bản.
Khả năng chịu rủi ro: Có hai hình thức rủi ro khi đầu tư tài chính. Một là số tiền nhận được ít hơn số vốn bỏ ra, đồng nghĩa với việc đầu tư lỗ vốn. Với người mới đầu tư nhưng có kỷ luật theo những nguyên tắc nhất định, phần trăm lỗ vốn có thể được kiểm soát ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, người đầu tư cần xác định phần trăm này dựa vào vốn và khả năng chịu rủi ro của mình. Hai là, tuy đầu tư tài chính, ví dụ vào cổ phiếu, có tính thanh khoản tương đối cao, khả năng bị giam vốn vì lý do khách quan (ví dụ, thời gian chuyển tiền giữa các tài khoản) và chủ quan (giữ cổ phiếu để chờ giá tốt) cũng có thể xảy ra. Do đó, thời gian giam vốn cũng nên được cân nhắc.
Đầu tư nhỏ giọt: Cuối cùng, tuy 10-20% tổng tiền tiết kiệm có thể không có giá trị lớn với số tiền tiết kiệm thấp, điều quan trọng là nên đầu tư từng khoản nhỏ và có kỷ luật để từ từ tìm hiểu thị trường. Mỗi người có một nguyên tắc khác nhau và đúc kết qua thời gian. Ví dụ, một người bạn của mình chia số tiền định đầu tư làm 3 phần và đầu tư từng phần theo thời gian. Nếu thuận lợi, bạn sẽ đầu tư phần tiếp theo, nếu không bạn ấy cũng chỉ mất một phần nhỏ so với tổng vốn.
Bản thân mình là người tuy có thu nhập thấp nhưng tạm ổn định, mình xác định được tổng số tiền mình có thể đầu tư (A - khoảng 10% số tiền tiết kiệm) và số tiền mình đầu tư mỗi tháng (B - khoảng 50% số tiền tiết kiệm hàng tháng). Mình không bắt đầu ngay với 100% số tiền A mà dùng số tiền B hàng tháng. Sau thời gian, khi tổng số B đạt bằng A và có xu hướng tăng hơn A, mình sẽ điều chỉnh số B nhỏ lại để sử dụng phần dư mở rộng đầu tư sang kênh khác để đa dạng hóa nhằm giảm rủi ro. Một nguyên tắc khác mình theo đuổi là không tham lam đầu tư quá số tiền B hàng tháng, dù cho thị trường có hấp dẫn cỡ nào, và nếu chưa tìm được sản phẩm tốt để đầu tư, mình sẵn sàng để lại số tiền B cho đợt tiếp theo.
Bài viết sau mình sẽ đi vào chi tiết cách chọn kênh đầu tư, chọn môi giới và tạo tài khoản.
Nguồn thông tin bài viết:
Ảnh bìa: https://www.publicdomainpictures.net/en/view-image.php?image=282456&picture=money-investment
[1] https://www.finanztip.de/festgeld-vergleich/
[2] https://www.ftd.de/finanzen/finanzcheck/festgeld-sparkasse/
[3] https://www.deutsche-rentenversicherung.de/DRV/DE/Rente/Kurz-vor-der-Rente/Wann-kann-ich-in-Rente-gehen/Wann-kann-ich-in-Rente-gehen_detailseite.html
[4] https://www.dw.com/en/germany-inflation-hits-29-year-high-of-52/a-59968291