01.04.2022 - Đầu tư nhỏ ở Đức (2)
#daututaichinh #duc
Trong bài viết này mình muốn tiếp tục chia sẻ về những thắc mắc thường gặp dành cho người mới bắt đầu, hoặc trong giai đoạn tìm hiểu để bắt đầu đầu tư. Bài rất dài và có nhiều điều mình tự tìm hiểu có thể không chính xác, nếu các bạn có câu hỏi hoặc góp ý với mình, các bạn góp ý với mình ở đây nhé.
Chọn kênh đầu tư
Khi đã xác định mình cần và muốn dùng số tiền có sẵn để đầu tư, vừa để có lãi suất, ít nhất bằng với độ trượt giá của đồng tiền, vừa để có kinh nghiệm, mình tiến tới bước tìm hiểu kênh đầu tư phù hợp với số vốn nhỏ. Vốn không phải là người có kiến thức về tài chính nên mình chỉ tìm hiểu và so sánh các kênh thông dụng là vàng miếng, ngoại tệ và chứng khoán.
Theo hiểu biết của mình, thủ tục mua bán vàng ở Đức tương đối đơn giản, với số lượng nhỏ có thể mua online và thậm chí ngân hàng cũng không cần biết thông tin người mua. Tuy nhiên với số vốn ít và kiến thức hạn hẹp, mình cảm thấy chưa sẵn sàng để mua vàng tích trữ, chi trả các chi phí có liên quan cũng như theo dõi biến động giá vàng để chủ động trong việc mua bán.
Do thói quen sinh hoạt trước đây và cả bây giờ, mình không có sẵn nhiều ngoại tệ hơn nhu cầu tiêu dùng. Nếu là ở Việt Nam, có thể mình sẽ cân nhắc trữ ngoại tệ có sự ổn định về giá so với VND, nhưng ở Đức, mình không thấy có nhu cầu này dù tỷ giá của đồng EUR với USD hoặc VND thay đổi liên tục.
Cả hai kênh mình vừa nói đến không phải chỉ toàn nhược điểm, nhưng cá nhân mình không chọn vì cảm thấy không phù hợp và vì mình cũng có một lựa chọn khác là đầu tư vào thị trường chứng khoán vì nó có khả năng thay thế cả hai kênh và cho mình cơ hội đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau hơn là chỉ giới hạn trong kim loại quý và ngoại tệ.
Quan điểm cá nhân về đầu tư trong thị trường chứng khoán
Trước khi chia sẻ tiếp về việc chọn môi giới, mình cũng muốn giới hạn rõ về mối quan tâm của mình trong thị trường chứng khoán để các bạn xác định xem thông tin của mình có nằm trong phạm vi bạn muốn tham khảo hay không. Tất cả khái niệm mình sẽ giải thích đơn giản theo cách hiểu của mình, kèm hyperlink đến khái niệm đầy đủ trong tiếng Anh để mọi người có thể đọc thêm. Ngoài ra, mình sẽ sưu tập các câu hỏi thường gặp (FAQ) vào một bài riêng và dẫn hyperlink nếu có liên quan. Nếu bạn có câu hỏi, bạn có thể gửi cho mình ở đây.
1.
Cụ thể trong thị trường chứng khoán, mình quan tâm đến 2 sản phẩm: ETF và cổ phiếu. Trong khi cổ phiếu đã phổ biến với nhiều người, ETF có thể là khái niệm mới – ít nhất nó cũng từng mới với mình – nên mình sẽ nói sơ qua, để người đọc tham khảo nếu cần và cũng để kết nối với các nội dung tiếp theo. Hiểu nôm na, ETF là một nhóm cổ phiếu của nhiều công ty do một quỹ đầu tư mua và quản lý thụ động theo một chỉ số nhất định. Ví dụ: Vanguard S&P 500 ETF (VOO) được phát hành và quản lý bởi Vanguard, bao gồm một nhóm công ty ở Mỹ và biến động giá theo chỉ số S&P 500 - tức là chỉ số đại diện cho 500 công ty lớn nhất ở Mỹ. Khi một người mua một cổ phiếu của Vanguard S&P 500 ETF, họ sở hữu đồng thời (một phần) cổ phiếu của 500 công ty với phần trăm do Vanguard phân phối.
Ngay trong khái niệm, ETF đã khác cổ phiếu của các công ty riêng lẻ ở sự đa dạng, do đó có ít rủi ro hơn về biến động giá – đây là ưu điểm đầu tiên. Do giá của ETF phụ thuộc biến động giá của chỉ số, việc quản lý ETF về cơ bản là “nhàn” hơn cho các quỹ đầu tư nên phí quản lý tương đối rẻ, khoảng 0.2%/năm, so với các quỹ quản lý chủ động là 0.5%-0.75%/năm (Nguồn 1) – đây là ưu điểm thứ hai. Với người mới bắt đầu, rủi ro thấp và chi phí thấp là hai tiêu chí quan trọng khiến ETF là một lựa chọn hợp lý.
2.
Đầu tư (investing) và mua bán (trading) là hai “trường phái” khác nhau ở thị trường chứng khoán, cơ bản là ở thời gian sở hữu cổ phiếu và/hoặc ý định của người mua. Trong khi đầu tư có thể tính bằng (hàng) chục năm, mua bán có thể chỉ diễn ra trong vòng vài ngày đến vài tháng. Investors sẵn sàng đầu tư lâu dài vì họ nhìn thấy tiềm năng phát triển ở của công ty, do đó đầu tư cũng như một hoạt động góp vốn; trong khi traders chủ yếu xem cổ phiếu như món hàng để giao dịch trên thị trường hơn là có sự kết nối với hoạt động góp vốn. Có rất nhiều thảo luận về chủ đề này nhưng với bản thân mình, mình không thấy nhất thiết phải luôn rạch ròi hai khái niệm này và có chiến lược riêng cho mỗi sản phẩm.
3.
Mình chia khoản đầu tư hàng tháng làm 2 phần (không nhất thiết phải bằng nhau): ETF (đầu tư lâu dài, tính bằng năm) và cổ phiếu (đầu tư ngắn hạn, tính bằng tuần-tháng). Lý do cho việc này là mình muốn có sự an toàn của ETF đồng thời muốn có lợi nhuận cao từ cổ phiếu.
Chọn môi giới
Chứng khoán được giao dịch trên sàn (stock exchange), thông qua môi giới (broker, hoặc depot theo cách vài người gọi). Do đó để bắt đầu giao dịch, mình cần chọn môi giới phù hợp để tạo tài khoản với họ.
Hiện tại có rất nhiều môi giới ở Đức, nhưng mình chỉ lọc ra Trade Republic và Scalable Capital dựa trên tiêu chí là giao diện dễ sử dụng và tự động tính thuế thu nhập cá nhân. Tham khảo so sánh nhiều nơi, và đặc biệt từ video này, mình quyết định chọn Trade Republic vì: Mình sẽ được 15 Euros nếu dùng link giới thiệu (*) và Trade Republic có chi phí vừa phải cho mua bán ETF và cổ phiếu.
(*) 15 Euros tuy không nhiều, nhưng với một người không có kinh nghiệm lẫn kiến thức, mình thấy số tiền này có thể bù được những rủi ro phát sinh trong quá trình mua bán đầu tiên. Nếu các bạn cũng muốn thử với Trade Republic, mình nghĩ các bạn nên dùng link giới thiệu của một người nào đó các bạn thấy quý mến, coi như tặng người đó 15 Euros làm quà thì bản thân cũng được vui lây. Bản thân mình cũng chủ động hỏi và dùng link giới thiệu của một người quen mình quý mặc dù đã lâu năm không nói chuyện. Trong trường hợp bạn muốn thử mà không biết người quen nào đang dùng Trade Republic hoặc không muốn cho họ biết mình quan tâm đến đầu tư, thì mình rất vui nếu bạn dùng link giới thiệu của mình dưới đây. Sau khi bạn thực hiện thành công giao dịch đầu tiên, tài khoản của bạn sẽ được tự động tăng thêm 15 euros. Bạn cũng có thể tiếp tục giới thiệu link này hoặc link của bạn cho người khác.
Link giới thiệu của Lê: https://ref.trade.re/7qwsw9t4
Cập nhật ngày 01.04.2022: Chương trình giới thiệu của Trade Republic hiện tại là tặng cho cả hai bên một cổ phiếu trị giá đến 200 Euros. Nếu không dùng link giới thiệu, bạn vẫn có thể được tặng cổ phiếu nếu đăng ký tài khoản trực tiếp tại https://traderepublic.com/de-de
Tạo tài khoản
Sau khi tải app qua link giới thiệu và nhập thông tin cá nhân, bạn sẽ có bước xác nhận danh tính qua một cuộc gọi video sau khi bạn nhập đủ thông tin. Người gọi sẽ hỏi bạn muốn tạo tài khoản ở broker nào (Trade Republic), để làm gì (mua bán ETF, cổ phiếu), hỏi vài thông tin cá nhân (ngày sinh, nơi ở…) và cuối cùng là cho họ xem passport. Toàn bộ cuộc gọi mất khoảng 5-7 phút. Nếu không tự tin dùng tiếng Đức, các bạn có thể dùng tiếng Anh để nói chuyện. Sau bước này, bạn sẽ được nhận một email hỏi giấy tờ để xác nhận địa chỉ cư trú ở Đức. Ngoài giấy đăng ký tạm trú, các giấy tờ khác cũng có thể thay thế được. Đến đây thì tài khoản của bạn sẽ được kích hoạt. Bạn có thể nhập mã số thuế cá nhân trong ứng dụng trong vòng 3 tháng từ ngày kích hoạt tài khoản thành công. Theo trải nghiệm cá nhân, các bước này diễn ra nhanh gọn, đơn giản và Trade Republic cũng hỗ trợ rất nhiệt tình qua email.
Trong bài viết tiếp theo, mình sẽ chia sẻ về các chi phí khi mua bán cổ phiếu và các nguồn thông tin tham khảo để hỗ trợ người mới bắt đầu ra quyết định trong việc mua bán cổ phiếu.